Hiện tượng sàn bê tông bị nứt rất thường gặp đối với kết cấu sàn bê tông cốt thép. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công trình. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vậy nguyên nhân chính nào gây nứt sàn bê tông? Cách xử lý ra sao? Một số thông tin trong bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn xử lý trạng này.
Xem thêm: Xử lý sàn bê tông bị võng
NỘI DUNG BÀI VIẾT [ẨN]
Nguyên nhân sàn bê tông bị nứt
Sàn bê tông bị nứt là một hiện tượng khá phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Đối với sàn bê tông nhẹ lắp ghép bằng tấm panel bê tông nhẹ nếu bị nứt nguyên nhân chủ yếu là từ hệ dầm đỡ sàn không đủ đảm bảo. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến sàn bê tông bị nứt:
Do khí hậu
Có thể nói đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng sàn bê tông bị nứt. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa sẽ ảnh hưởng tới vấn đề biến dạng co nở thường xuyên. Vào mùa hè nhiệt độ cao thì bê tông có hiện tượng nở ra. Tuy nhiên khi đến mùa đông thời tiết lạnh thì bê tông lại có xu hướng co lại.
Do nền móng
Nền móng bị lún do khoảng cách giữa các cột không đều. Kết cấu nền móng yếu làm cho nhà bị chuyển vị cũng là nguyên nhân gây nứt sàn bê tông.
Do bê tông
Trong quá trình thi công để bị phân tầng có nghĩa là đổ bê tông 2 lần khác nhau. Chất lượng bê tông của 2 lần đổ khác nhau. Do vậy vết nứt kéo dài qua sàn theo phương mạch ngừng.
Nứt do biến dạng toà nhà, trường hợp này còn có thể có kèm theo nứt tường.
Do sử dụng phụ gia trong bê tông khiến bê tông đông cứng nhanh.
Do chất lượng bê tông trong quá trình thi công:
Mác bê tông không đủ cường độ theo thiết kế.
Quá trình đầm không kỹ trong khi đổ bê tông.
Nước dùng để trộn bê tông không đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Tiến hành đổ bê tông lúc nhiệt độ ngoài trời cao, bảo dưỡng bê tông sau khi đổ chưa tốt.
Do tải trọng
Mỗi sàn bê tông được thiết kế để chịu một mức tải trọng nhất định. Chính vì thế mà không thể tăng tải trọng lên sàn bê tông lớn hơn mức thiết kế ban đầu. Nhưng nhiều chủ nhà không để ý điều này khi thay đổi công năng của công trình. Việc chất tải nặng làm sàn không đủ khả năng chịu tải mới dẫn đến hiện tượng nứt sàn bê tông.
Sàn bê tông bị nứt có nguy hiểm không?
Để có thể trả lời được câu hỏi nứt sàn bê tông có nguy hiểm không? Đầu tiên cần phải xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt sàn. Để từ đó có thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng và giải pháp nào là phù hợp nhất.
Đối với những vết nứt nông hay rạn nứt chân chim: thực chất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu. Tuy nhiên, những vết nứt này làm mất mĩ quan và vẻ đẹp bên trong căn nhà. Điều này gây nên cảm giác không thoải mái khi chúng ta nhìn vào. Đồng thời điều này còn làm mất đi sự thoải mái khi ở trong ngôi nhà bị nứt.
Đối với những vết nứt sâu do kết cấu thì nó không chỉ dừng lại ở tính thẩm mỹ. Vấn đề này sẽ gây ra nhiều hậu quả vô cùng khó lường. Nếu tình trạng này kéo dài lâu ngày sẽ bị đứt gãy và dẫn đến sập sàn.
Cách xử lý sàn bê tông bị nứt
Để xử lý vết nứt sàn bê tông đạt hiệu quả, chúng ta cần khảo sát hiện trạng kỹ lưỡng. Đồng thời đưa ra những đánh giá và phương pháp xử lý thích hợp nhất.
Cách xử lý sàn bê tông mới đổ bị nứt
Xử lý sàn bê tông mới đổ bị nứt rất quan trọng để đảm bảo toàn bộ hệ kết cấu. Quá trình xử lý cần được tiến hành một cách tỉ mỉ và chi tiết. Điều này sẽ tránh làm vết nứt lan rộng như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của công trình.
Việc đầu tiên bạn cần làm là phân loại vết nứt. Trong trường hợp các vết nứt do nội sinh hoặc do kết cấu thì cần phải xử lý kỹ hơn.
Bước 1: Kiểm tra hệ giàn giáo cốp pha nên duy trì cho đến khi bê tông đạt đủ cường độ.
Bước 2: Tiến hành kiểm tra toàn bộ các vị trí và mức độ xuất hiện vết nứt trên sàn bê tông.
Bước 3: Tiến hành bịt khe hở, trám và xử lý vết nứt. Mục đích để không khí và nước không ngấm vào trong gây ảnh hưởng đến kết cấu bê tông. Bạn có thể sử dụng các vật liệu chống thấm như Sika, Intoc để xử lý vết nứt.
Bước 4: Vệ sinh sạch sẽ bề mặt sàn sau khi gia cố và xử lý xong.
Khắc phục sàn mái bê tông bị nứt
Chúng ta sẽ khắc phục sàn mái bê tông bị nứt bằng biện pháp bơm keo Epoxy. Cách làm như sau :
Bước 1: Tiến hành vệ sinh sạch sẽ bề mặt vết nứt. Sau đó trám toàn bộ bề mặt vết nứt bằng keo Sikadur 731 hoặc Matit để bịt kín vết nứt.
Bước 2: Khoan các lỗ cách vết nứt từ 5 đến 10cm, xiên 1 góc 45 độ. Chiều sâu của lỗ khoan khoảng 20 đến 25cm. Sau khi khoan xong ta thổi bụi sạch và đưa kim bơm vào lỗ khoan.
Bước 3: Sử dụng máy bơm áp lực để đưa keo Sikadur 752 vào bên trong lỗ khoan.
Bước 4: Sau khi bơm toàn bộ keo Sikadur 752 đầy bên trong lỗ khoan, chúng ta rút kim bơm ra. Tiến hành chèn trát kín lỗ khoan. Thông thường cần khoảng 12 ngày để vết nứt được định hình và khắc phục hoàn toàn.
Khắc phục nứt góc sàn bê tông
Để khắc phục vết nứt góc sàn bê tông cách đơn giản nhất là sử dụng keo trám vết nứt.
Đầu tiên bạn vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn xung quanh vị trí nứt.
Tiến hành đục mở dọc theo vết nứt ra và sâu xuống dưới sàn từ 3cm đến 4cm.
Sau khi đục xong chúng ta lại tiền hành vệ sinh sạch sẽ và dùng keo trét kín vết nứt.
Cuối cùng là phủ lớp màng chống thấm co giãn lên bề mặt.
Cách chống thấm sàn bê tông bị nứt
Bước 1: Xác định vị trí vết nứt. Chúng ta có thể sử dụng quả dọi định vị từ phía dưới sàn. Tiến hành kiểm tra, đo đạc độ lớn, chiều dài và vị trí của vết nứt trên sàn bê tông.
Bước 2: Tiến hành đục tại vị trí vết nứt và đục đến khi nào vết nứt kết thúc thì dừng lại.
Bước 3: Dùng máy mài bê tông cầm tay làm nhẵn và vệ sinh sạch để làm hiện vết nứt rõ nhất.
Bước 4: Dùng máy cắt cầm tay, cắt rộng vết nứt ra hai bên theo hình chữ V. Chiều sâu của vết cắt từ 2 đến 3cm.
Bước 5: Tiến hành vệ sinh sạch sẽ toàn bộ vị trí cắt dọc theo vết nứt hình chữ V trên sàn.
Bước 6: Dùng hồ dầu trộn từ xi măng với nước và phụ gia Sika Latex. Sau đó ta tưới hồ dầu lên bề mặt vết nứt. Và cuối cùng là đổ vữa Grout lên vết nứt cho bằng mặt sàn.
Bước 7: Sau khi lớp vữa grout khô, quét phụ gia chống thấm Masterseal 540 lên bề mặt. Sử dụng lưới thủy tinh để gia cường lớp chống thấm thứ nhất khi còn chưa khô.
Bước 8: Sau khi lớp chống thâm Masterseal 540 khô, ta quét thêm 1 đến 2 lớp chống thấm nữa. Sau khi khô tiếp tục láng vữa chống thấm Sika Latex kết hợp Warerseal DPC và ốp lát hoàn thiện.
Bước 9: Ngâm thử nước và kiểm tra độ chống thấm của sàn.
Cách phòng tránh bê tông bị nứt
Thay vì phải xử lý vấn đề đã xảy ra, chúng ta có thể chủ động để phòng tránh trước. Việc phòng tránh sẽ đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất, và giảm thiểu tối đa chi phí. Những điều sau cần được lưu ý khi tiến hành đổ bê tông sàn.
Quản lý chất lượng đầu vào
Thứ nhất, kiểm soát chất lượng của xi măng: xi măng phải kiểm tra để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của hồ sơ thiết kế. Nên sử dụng sản phẩm xi măng được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín trên thị trường.
Thứ hai là kiểm soát chất lượng của cốt liệu như cát, đá phải được rửa sạch sẽ. Kích cỡ của đá trộn bê tông phải phù hợp với thiết kế cấp phối và chiều dày cấu kiện. Tuyệt đối không sử dụng cát đen, cát mịn, cát nhiễm mặn để trộn bê tông.
Kiểm soát chặt chẽ quá trình đổ bê tông
Quá trình trộn bê tông phải đảm bảo bê tông được trộn đúng tỉ lệ theo cấp phối và đúng loại vật liệu đã quy định.
Trong quá trình đổ bê tông phải đầm rung để đảm bảo tính đồng nhất và cường độ bê tông. Đầm bê tông đúng cách sẽ tránh hiện tượng bị rỗ, rỗng bên trong và phân tầng.
Đảm bảo độ dày của bê tông đúng theo thiết kế.
Phải dưỡng ẩm cho bê tông nhất là sau khi hoàn thiện xong bề mặt sàn. Cần có biện pháp che phủ để hạn chế sự bay hơi nước bề mặt.
- Bê tông cần đạt đủ cường độ mới được tiến hành tháo cốp pha và giàn chống bên dưới.
Có phương án phòng chống sự chênh lệch nhiệt độ
Vào mùa hè có sự thay đổi nhiệt độ rất lớn. Đặc biệt là chênh lệch nhiệt độ ban ngày và ban đêm rất khác nhau. Do vậy, khi thi công vào mùa hè thì tránh thi công trong thời gian nhiệt độ cao.
Vào mùa đông chênh lệch nhiệt độ do gió thay đổi tương đối lớn. Điều này rất dễ tạo ra các vết nứt. Chính vì thế cần có các biện pháp chống gió lạnh để giảm chênh lệch nhiệt độ.
Trên đây là toàn bộ nguyên nhân và các cách xử lý sàn bê tông bị nứt. Nếu các bạn có gì thắc mắc hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn. Đồng thời nếu có những kinh nghiệm tốt hơn rất mong được các bạn cùng đóng góp.