Đổ bê tông các kết cấu sàn, dầm, cột, nền móng hay tường vách… có vai trò rất quan trọng. Công tác này đòi hỏi về an toàn và kỹ thuật thi công tốt để đảm bảo chất lượng cho công trình. Dưới đây, GachBeTongNhe sẽ chia sẻ cùng bạn cách thi công bê tông đúng kỹ thuật. Đồng thời những tình huống thường gặp cùng biện pháp xử lý tốt nhất khi đổ bê tông nhé.

Đổ bê tông hay còn gọi là thi công bê tông. Đây là quá trình đổ hỗn hợp bê tông sau khi được sản xuất vào khuôn đúc hoặc các vị trí kết cấu của công trình như: nền móng, cột, dầm, sàn bê tông v.v… Hỗn hợp bê tông trạng thái lỏng được trải đều và lấp kín bên trong. Trải qua thời gian ninh kết hỗn hợp bê tông dần chuyển sang trạng thái đóng rắn. Từ đó các kết cấu bê tông hoặc sản phẩm bê tông đúc sẵn như (gạch bê tông và tấm bê tông) được hình thành.

Hướng dẫn cách đổ bê tông dầm, sàn, cột, nền móng nhà. Những điều cần lưu ý khi đổ bê tông

Như vậy đổ bê tông là công việc để tạo nên sản phẩm hay cấu kiện bê tông chịu lực cho công trình. Công đoạn này đòi hỏi người thi công có kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực bê tông. Từ đó có thể kiểm soát chất lượng từng công đoạn trong toàn bộ quá trình thực hiện.

Biện pháp đổ bê tông trong xây dựng và sản xuất vật liệu được chia làm hai cách như sau:

Đổ bê tông bằng tay

Đây là phương pháp thi công bê tông thủ công. Tức là với phương án này, bạn cần thuê đội đổ bê tông tay để thực hiện công việc. Quá trình trộn bê tông cũng có thể bằng tay (dùng xẻng, bay v.v..) nếu khối lượng nhỏ. Còn thông thường tổ đội này sẽ trộn bê tông qua máy trộn bê tông mini. Hỗn hợp bê tông sau khi sản xuất tại công trường sẽ được xách bằng xô hoặc xe rùa nhỏ. Sau đó người thợ sẽ dùng tay để đổ bê tông vào từng khối đổ.

Đội đổ bê tông tay được chủ nhà thuê để thi công bê tông xây nhà phố trong ngõ hẻm

Quá trình thi công bê tông bằng tay thường áp dụng với khối lượng công việc nhỏ. Ngoài ra, các vị trí thi công khó, mặt bằng chật hẹp hoặc vùng quê nông thôn sẽ thường áp dụng phương án này.

Đổ bê tông bằng máy

Đây là phương án sử dụng thiết bị máy móc thay thế con người trong quá trình đổ bê tông. Với phương án này, bê tông được sản xuất từ trạm trộn và vận chuyển bằng xe trộn bê tông. Khi tới công trình, hỗn hợp bê tông được đưa vào khối đổ nhanh chóng, tần suất cao thông qua xe bơm bê tông.

Đổ bê tông bằng xe bơm bê tông tự hành cần dài. Tầm với của xe bơm xa được điều khiển tự động hóa hoàn toàn.

Với nhà cao tầng còn hay áp dụng phương án thi công bằng cẩu tháp. Cẩu tháp có ưu điểm tầm với vươn xa bao quát được toàn bộ công trình. Hỗn hợp bê tông sẽ được đổ vào phễu chứa bê tông và vận chuyển qua cẩu tháp. Phếu được chuyển tới chính xác vị trí cần thi công để tiến hành công việc.

Đổ bê tông nhà cao tầng bằng cẩu tháp là phương án rất khả thi. Cẩu tháp có tầm với dài, vận chuyển phễu bê tông đơn giản và linh hoạt

Ngoài ra đối với bê tông đầm lăn RCC thì quá trình thi công được áp dụng bằng cơ giới hóa. Tức là hỗn hợp bê tông được chuyển tới công trình và xe san gạt sẽ tạo phẳng, tiếp sau đó là xe đầm rung tiến hành đầm nén bê tông.

Biện pháp đổ bê tông đầm lăn RCC sử dụng thiết bị cơ giới hóa là chủ yếu

Với việc áp dụng thiết bị thi công giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất công việc. Đồng thời, việc kiểm soát chất lượng bê tông công trình cũng được tối ưu hóa. Điều này lý giải vì sao các công trình lớn đòi hỏi kỹ thuật cao thường áp dụng cách thi công này.

Quy trình đổ bê tông đúng kỹ thuật

Dưới đây là quy trình đổ bê tông đúng kỹ thuật dùng cho hầu hết các hạng mục như:

+ Thi công bê tông sàn, tường vách

+ Thi công cột, dầm bê tông

+ Thi công nền móng bê tông

+ Thi công bê tông đường

+ Thi công bê tông cọc khoan nhồi

+ Sản xuất các cấu kiện bê tông đúc sẵn như: trụ bê tông, tấm bê tông đúc sẵn v.v…

Chuẩn bị mặt bằng

Đảm bảo mặt bằng thi công thông thoáng, khô ráo, không có chướng ngại vật. Chú ý lối di chuyển cho người và thiết bị an toàn và thuận tiện trong khi thi công.

Lắp đặt cốt thép

Đối với kết cấu bê tông cốt thép cần tiến hành gia công lắp dựng cốt thép trước. Chú ý đan lưới thép theo đúng thiết kế quy định. Sau khi lắp đặt thép cần tiến hành kiểm tra quy cách và tình trạng cốt thép. Tránh hiện tượng thép bị hoen gỉ, mối nối, kích thước, nhịp đan thép sai quy định.

Thi công lắp đặt hệ cốt thép gia cố kết cấu móng trước khi đổ bê tông

Lắp đặt cốp pha

Sau khi lắp đặt xong cốt thép tiến hành lắp đặt hệ ván khuôn (cốp pha). Cốp pha chính là lớp bao bọc để chứa hỗn hợp bê tông. Đồng thời, cốp pha giúp định hình cấu kiện bê tông sau khi đông cứng.

Bề mặt cốp pha cần đảm bảo bằng phẳng, sạch sẽ. Các liên kết cốp pha cần chắc chắn và không có khe hở. Trước khi đổ bê tông có thể tráng một lượt lớp dầu chống dính trên bề mặt cốp pha. Lớp dầu này giúp dễ dàng tháo dỡ cốp pha sau khi bê tông đạt đủ cường độ.

Thi công lắp đặt hệ cốp pha định hình trước khi đổ bê tông cột

Trộn bê tông

Đối với bê tông tươi, bê tông thương phẩm sẽ được sản xuất từ trạm trộn bê tông. Sau khi sản xuất xong sẽ được vận chuyển tới công trường bằng xe trộn bê tông (xe bồn). Quá trình sản xuất này rất phổ biến, vừa đảm bảo năng suất cũng như kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Toàn bộ công đoạn trộn và vận chuyển được áp dụng cơ giới hóa, đảm bảo an toàn lao động cao.

Hỗn hợp bê tông tươi được chuyển tới công trường bằn xe bồn trộn bê tông. Sử dụng phễu chứa bê tông kết hợp cẩu tháp để thi công.

Đối với phương án trộn bê tông bằng tay chỉ nên áp dụng với khối lượng công việc nhỏ lẻ. Đồng thời những công trình mặt bằng chật hẹp, khó di chuyển, ở xa trạm trộn thì có thể áp dụng. Tuy nhiên, cách làm này cần phải giám sát chặt chẽ khâu trộn bê tông. Vì đa phần, người thợ chỉ dựa trên kinh nghiệm đồng thời sử dụng các dụng cụ thô sơ như xô, xẻng, bay để thực hiện.

Đổ bê tông bằng tay thủ công đòi hỏi người công nhân đảm bảo trang bị bảo hộ an toàn đầy đủ.

Thi công đổ bê tông

Đổ bê tông bằng máy: Đối với phương án này, hỗn hợp bê tông được đưa vào khối đổ bằng xe bơm bê tông. Trong đó có hai loại xe bơm bê tông phổ biến nhất mà GachBeTongNhe đã trình đó là:

  • Xe bơm bê tông cần dài tự hành: Đây là máy bơm bê tông chuyên dụng được thiết kế trên hệ thống xe tải vận chuyển. Xe bơm có cần dài và hoạt động hoàn toàn tự động hóa với người điều khiển. Việc thi công bằng xe bơm cần tự hành rất thuận tiện, có thể bơm xa và cao để đổ bê tông cho rất nhiều hạng mục như: nền móng nhà, dầm sàn bê tông, cột hoặc tường bê tông v.v..

  • Xe bơm bê tông tĩnh: Máy bơm bê tông được đặt cố định trong phạm vi công trình. Từ máy bơm, các đốt ống bơm được nối lần lượt với nhau để dẫn tới vị trí khối đổ. Giải pháp này cũng được áp dụng khi thi công bê tông nhà cao tầng, đổ sàn nhà khung thép v.v…

Sử dụng hệ thống bơm bê tông tĩnh để thi công bê tông sàn nhà phố

Ngoài ra phương án đổ bê tông bằng cẩu tháp sử dụng phễu đổ bê tông cũng rất hay được áp dụng. Cẩu tháp có tầm với xa dễ dàng đưa hỗn hợp bê tông vào khối đổ.

Đổ bê tông bằng tay: Phương án thi công bê tông thủ công này đòi hỏi nhiều nhân lực và tốn thời gian. Tuy nhiên giải pháp này cũng rất hiệu quả khi xây dựng công trình nhỏ như nhà dân, nhà phố, nhà trong ngõ hẻm v.v..

Đầm bê tông

Đối với cả hai phương án đổ bê tông này, bạn cần chú ý quá trình đầm bê tông. Đa phần hiện nay là sử dụng đầm dùi. Quá trình đầm người thợ cần thả mũi đầm rung vuông góc xuống khối bê tông. Để đầm rung và thao tác rút đầm lên một cách từ từ đều tay. Như vậy bọt khí bên trong bê tông mới bị hút hoàn toàn ra khỏi hỗn hợp. Đồng thời hỗn hợp bê tông sẽ đảm bảo được trải đều và lấp kín bên trong khối đổ. Từ đó chất lượng bê tông sẽ đảm bảo tránh các hiện tượng như bị rỗ, bị thiếu hụt, bị bọt khí v.v…

Sử dụng đầm dùi để đầm rung bê tông trong khi đổ bê tông tươi

Kiểm tra và bảo dưỡng

Sau khi thi công xong khối đổ cần tiến hành tạo phẳng bề mặt. Đồng thời bạn nên phủ lên bề mặt lớp bao bố (bao tải) ẩm để giữ nước cho bê tông. Điều này giúp bê tông không bị mất nước nhanh tránh xảy ra co ngót làm nứt bê tông.

Điều quan trọng nữa bạn cần thực hiện là tiến hành xịt rửa nước bên ngoài ván khuôn. Điều này giúp ván khuôn sạch sẽ và bê tông bám bên ngoài được loại bỏ. Từ đó công tác tháo dỡ cốp pha sau này sẽ dễ dàng hơn do không bị bê tông bám dính làm ảnh hưởng.

Đồng thời cần chú ý kiểm tra và theo dõi nhiệt độ môi trường tại công trình. Nếu thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao cần duy trì phun nước tưới ẩm bảo dưỡng bê tông hợp lý.

Tạo phẳng bề mặt sau khi đổ bê tông xong và tiến hành bảo dưỡng đồng thời theo dõi chất lượng bề mặt bê tông

Các vấn đề thường gặp khi đổ bê tông và cách xử lý

Với những kinh nghiệm chuyên sâu về bê tông, đặc biệt là bê tông siêu nhẹ – bê tông khí chưng áp, GachBeTongNhe đã tổng hợp các vấn đề thường gặp với bê tông. Đồng thời những phương án tốt nhất để áp dụng xử lý trong và sau khi đổ bê tông. Các bạn cùng tìm hiểu ngay dưới đây nhé.

Bê tông bị rỗ và cách xử lý

Bê tông bị rỗ thường bắt gặp khi cột bê tông hoặc sàn bê tông được tháo ván khuôn ra. Bề mặt bê tông xuất hiện nhiều lỗ hổng nhỏ li ti như đầu kim châm, hoặc kích thước lớn hơn khoảng 2-3cm, thậm chí là hơn 3cm. Những cấu kiện bê tông bị rỗ nặng còn nhìn thấy được cả cốt thép bên trong rất rõ ràng.

Bề mặt dầm bê tông bị rỗ

Bê tông bị phình và cách xử lý

Hiện tượng bê tông bị phình là cấu kiện bê tông xuất hiện những trỗ phồng rộp, bên trong có chứa cả khí và nước. Theo đó, bê tông bị phồng sẽ không có bề mặt mịn đẹp. Các vị trí phồng tùy vào lượng nước và khí chứa bên trong sẽ có kích thước to hay nhỏ.

Bề mặt tường bê tông bị phình

Đổ bê tông gặp trời mưa và cách xử lý

Đổ bê tông trời mưa sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng bê tông kết cấu. Trường hợp này không phải hiếm gặp, vì vậy bạn cần chú ý tìm hiểu để có phương án xử lý tốt nhất. Rất nhiều công trình không chú ý mà vẫn tiếp tục đổ bê tông khi trời mưa to. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình do chất lượng bê tông kết cấu bị suy giảm.

Đang đổ bê tông thì gặp trời mưa

Bê tông bị trắng mặt và cách xử lý

Đây là trường hợp sau khi bê tông đông cứng. Khi sờ tay vào bề mặt bê tông bạn sẽ nhận thấy đây là một lớp bột mịn màu trắng. Lớp bột này rất dễ dính vào tay khi quẹt phải. Việc xuất hiện bê tông bị trắng mặt này sẽ làm ảnh hưởng tới mỹ quan của công trình. Đồng thời theo thời gian sẽ có các tác động xấu tới chất lượng hạng mục bê tông đã đổ.

Bề mặt sàn bê tông bị trắng mặt sau khi thi công bê tông xong. Nguyên nhân và cách xử lý

Đổ bê tông bị ngập nước và cách xử lý

Trong quá trình thi công bê tông bị ngập nước có thể do nhiều nguyên nhân:

+ Mạch nước ngầm tràn vào bên trong khối đổ gây ngập nước

+ Đang đổ bê tông thì mưa to làm nước tràn vào khối đổ

+ Do nguyên nhân khách quan làm một lượng nước lớn tràn vào

Với một lượng nước lớn tràn vào khối đổ ngay trong lúc thi công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng công trình. Vì vậy bạn cần nắm được những cách xử lý phù hợp để khi gặp phải có thể linh hoạt xử lý.

Vấn đề đổ bê tông bị ngập nước sẽ ảnh hướng lớn tới chất lượng của bê tông nói riêng và công trình nói chung

Bê tông bị bọt khí và cách xử lý

Để tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý bê tông bị bọt khí tại đây. GachBeTongNhe đã tổng hợp và chia sẻ những kiến thức chuyên môn để giúp bạn xử lý tốt nhất cho trường hợp này.

Hình ảnh hỗn hợp bê tông bị bọt khí

Bê tông bị nứt và cách xử lý

Hiện tượng bê tông bị nứt sau khi đổ bê tông có ảnh hưởng lớn tới kết cấu công trình. Khả năng chịu lực bị suy yếu, tính ổn định của công trình bị giảm. Điều này dẫn tới chất lượng chung và tuổi thọ công trình không đảm bảo.

Vì vậy, bạn cần tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt bê tông. Từ nguyên nhân đó, bạn có thể áp dụng các phương án xử lý vết nứt cho phù hợp.

Bê tông bị nứt nguyên nhân và cách xử lý đúng kỹ thuật

Những lưu ý cần biết khi đổ bê tông

Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi thi công bê tông:

+ Tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi thi công.

+ Lên phương án thi công bê tông cụ thể. Bạn cần tính toán việc sản xuất, vận chuyển và cách thi công phù hợp. Từ đó sắp xếp mặt bằng tốt nhất để công việc được thuận lợi đạt hiệu quả cao. Nếu dùng bê tông tươi nên dùng xe bồn chở và kết hợp với xe bơm hoặc xe cẩu để thực hiện. Nếu đổ thủ công cần lựa chọn đội thợ có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc tốt.

+ Tìm hiểu những vấn đề thường xảy ra đối với bê tông mà GachBeTongNhe đã trình bày bên trên. Từ đó bạn sẽ có kinh nghiệm và phương án phù hợp để xử lý khi gặp phải.

+ Tránh thời tiết mưa gió hay quá nắng nóng để đổ bê tông.

+ Chú ý lưu mẫu bê tông tươi sau mỗi chuyến xe chở từ trạm trộn tới. Mẫu bê tông cần bảo dưỡng ngâm trong nước để sau này kiểm tra chất lượng.

+ Chú ý kiểm tra độ sụt của bê tông, kiểm tra trạng thái và chất lượng bê tông trước khi đổ.

+ Theo dõi quá trình đổ bê tông trực tiếp tại công trường. Quan sát tốc độ thi công không được quá nhanh hoặc quá chậm. Đồng thời giám sát công tác đầm rung bê tông cẩn thận.

+ Theo dõi và kiểm tra công tác bảo dưỡng bê tông trong quá trình đông kết của bê tông.

Lời kết

Quy trình đổ bê tông đúng kỹ thuật quyết định rất lớn đến chất lượng của công trình. Qua bài viết, GachBeTongNhe tin rằng bạn sẽ có những thông tin cần thiết để áp dụng cho công việc của mình. Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn kỹ thuật vui lòng liên hệ GachBeTongNhe để được hỗ trợ ngay nhé.

Trân trọng cám ơn bạn đã theo dõi nội dung!