Bê tông đầm lăn RCC (Roller-Compacted Concrete) là loại bê tông được thi công bằng thiết bị san gạt và xe đầm rung. Sau khi sản xuất, hỗn hợp bê tông được vận chuyển đến công trình. Xe san gạt tạo phẳng bề mặt, và xe đầm rung nén chặt từng lớp bê tông. Phương pháp này phù hợp cho các công trình lớn như đập thủy điện, công trình thủy lợi, và cảng biển.

Xe tải ben chở bê tông đầm lăn tới vị trí thi công mặt đập. Sau khi đổ bê tông xuống xe san gạt sẽ tạo phẳng. Tiếp theo là xe đầm rung tiến hành đầm nén bê tông
Hình ảnh công trình thủy điện Lai Châu trong quá trình thi công xây dựng

Ưu điểm của bê tông đầm lăn RCC

  • Tiết kiệm thời gian thi công: Phù hợp cho các dự án lớn như thủy điện và cảng biển.

  • Độ bền cao: RCC chịu tải trọng nén tốt và ổn định trước tác động môi trường.

  • Tính tự động hóa cao: Giảm lao động thủ công, tăng năng suất và đảm bảo an toàn lao động.

  • Không bị ảnh hưởng bởi thời tiết: Thi công được trong nhiều điều kiện thời tiết mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Nhược điểm của bê tông đầm lăn RCC

  • Chống thấm kém: RCC cần phụ gia hoặc phương pháp xử lý chống thấm.

  • Không phù hợp cho công trình nhỏ: Đòi hỏi mặt bằng rộng và thiết bị công suất lớn, không phù hợp cho nhà ở dân dụng.

  • Yêu cầu thiết bị chuyên dụng: Cần máy móc lớn như xe san gạt và xe đầm rung, làm tăng chi phí.

  • Kiểm soát vận chuyển phức tạp: Cần đảm bảo bê tông không bị mất nước hoặc quá khô khi vận chuyển.

Bê tông đầm lăn khác bê tông thường chỗ nào? Đánh giá ưu nhược điểm của bê tông đầm lăn RCC trong xây dựng

Ứng dụng của bê tông đầm lăn RCC

Xây dựng đập thủy điện

RCC được sử dụng nhiều trong các dự án đập lớn như thủy điện Sơn La và Lai Châu, với khối lượng bê tông lên đến hàng triệu m³.

Hệ thống trạm trộn bê tông RCC của Sông Đà 5 thi công thủy điện Nậm Nghiệp tại Lào
Đường băng tải vận chuyển bê tông RCC tới vị trí thi công tại công trình
Hình ảnh thiết bị máy san gạt tạo phẳng và xe đầm rung thi công trên mặt đập thủy điện

Xây dựng công trình thủy lợi

Công nghệ thi công bê tông đầm lăn RCC áp dụng thi công lòng hồ thủy lợi có diện tích lớn. Ngoài ra các hạng mục như đê kè kết cấu bằng bê tông cũng được áp dụng phương án này. Với diện tích thi công thông thoáng, thiết bị dễ dàng di chuyển đây là điểm thuận lợi để bê tông RCC ứng dụng vào thi công đối với các công trình thủy lợi như vậy.

Bê tông đầm lăn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các công trình thủy lợi, đê quây v.v..

Xây dựng cảng biển

Các công trình cảng biển đòi hỏi mặt bằng tập kết lưu lượng hàng hóa lớn. Đồng thời các hạng mục như đê quây bao chắn sóng v.v… Đây là những hạng mục bê tông lớn phù hợp để áp dụng phương án thi công bê tông RCC.

Xây dựng công trình cảng biển, hệ thống đường giao thông bằng bê tông RCC

Thi công mặt đường

Bê tông RCC cũng được ứng dụng trong hạng mục làm đường giao thông. Với các mặt đường bằng phẳng, thiết bị dễ dàng di chuyển để san tạo phẳng và đầm lu nén bê tông cho nền đường.

Thi công kết cấu mặt đường bằng biện pháp bê tông RCC

Thi công sân bay

Đối với công trình xây dựng sân bay đòi hỏi mặt bằng bê tông lớn. Phương án thi công bê tông đầm lăn mang lại hiệu quả cao và thi công nhanh chóng. Lớp bề mặt bằng bê tông kiên cố, độ bền cao và chịu tải trọng tốt. Điều này giúp phương tiện di chuyển và lưu thông hàng hóa tại sân bay dễ dàng.

Thi công sân bay đối với mặt bằng đường, kho bãi bằng biện pháp bê tông đầm lăn RCC

Thi công mặt bằng nhà xưởng, kho bãi

Các công trình đòi hỏi diện tích lớn về mặt bằng nhà xưởng, kho bãi hay bãi để xe v.v… Việc ứng dụng bê tông đầm lăn RCC cũng là giải pháp rất tiện lợi. Đối với các hạng mục này, thiết bị thi công đầm lăn dễ dàng di chuyển để thi công khối lượng bê tông lớn. Đồng thời, bề mặt và nền đường bằng bê tông mang đến sự đảm bảo và ổn định khi đưa vào vận hành khai thác.

Thi công mặt bằng nền nhà xưởng, kho bãi, bãi đỗ xe bằng bê tông đầm lăn RCC

Quy trình sản xuất và thi công bê tông đầm lăn

Sản xuất bê tông đầm lăn

Các nguyên liệu chính như xi măng, cát, sỏi, đá dăm, phụ gia bê tông, nước sạch. Một số công trình để tiết kiệm xi măng có thể tận dụng tro bay tái chế từ nhà máy nhiệt điện.

Hỗn hợp được tuyển trọn và chia tỷ lệ phù hợp theo thiết kế cấp phối bê tông đầm lăn. Sau đó thông qua đường cấp liệu, hỗn hợp cấp phối được đưa vào trạm trộn bê tông công suất lớn. Tại trạm trộn, quá trình trộn và kiểm soát lượng nước, tốc độ trộn hoàn toàn tự động hóa.

Hệ thống trạm trộn của công ty Sông Đà 5 tại công trình thủy điện Nậm Nghiệp 1 - Lào

Biện pháp vận chuyển

Sau khi hỗn hợp bê tông được sản xuất từ trạm trộn tiến hành vận chuyển tới công trường. Việc vận chuyển được sử dụng bằng xe tải ben chuyên chở. Điều này không giống như việc thi công bê tông tươi thông thường là dùng xe trộn bê tông.

Ngoài ra, đối với công trình quy mô rất lớn như đập thủy điện thì dùng hệ thống băng tải. Hệ thống băng tải đưa bê tông di chuyển trực tiếp và liên tục từ trạm trộn tới vị trí cần thi công.

Hệ thống băng tải vận chuyển bê tông RCC tại công trình thi công thủy điện Lai Châu, Việt Nam

Quá trình vận chuyển bê tông đầm lăn đóng vai trò rất quan trọng tới chất lượng. Vì vậy, người kỹ sư cần phải tính toán cẩn thận các trường hợp như:

+ Thời gian vận chuyển: phụ thuộc vào tốc độ di chuyển và chiều dài quãng đường

+ Nhiệt độ của môi trường: nhiệt độ cao sẽ dễ làm bê tông bị mất nước v.v…

+ Điều kiện thời tiết: Trường hợp mưa gió cần có phương án bao che cẩn thận. Nếu có thể bạn nên có phương án dừng thi công đợi thời tiết tốt rồi triển khai tiếp

Bạn cần lên bài tính cụ thể để chứng minh chất lượng của bê tông khi tới khối đổ vẫn duy trì được nhiệt độ cho phép. Đồng thời chất lượng của hỗn hợp bê tông đảm bảo theo thiết kế không bị quá khô hay quá nhão.

Biện pháp thi công

Bê tông được vận chuyển tới đúng vị trí thi công sẽ được đổ xuống trực tiếp. Xe san gạt tạo phẳng bắt đầu di chuyển để dàn đều bê tông ra bề mặt. Thiết bị xe đầm rung di chuyển ngay phía sau với tốc độ vừa phải và đầm nén bê tông. Các lớp bê tông được đầm chặt theo từng lớp liên tục từ cao độ thấp cho đến cao dần.

Thi công đập thủy điện bằng công nghệ bê tông đầm lăn RCC tại Việt Nam

Khi bê tông đầm lăn được thi công tới cao độ thiết kế, tiến hành hoàn thiện lớp bề mặt. Lớp bề mặt được tạo phẳng hoặc chà nhám bằng máy chuyên dụng tùy theo thiết kế.

Để tránh hiện tượng bê tông đầm lăn RCC bị nứt cần tiến hành cắt khe dọc đường bê tông đầm lăn RCC. Đường khe này sẽ thi công giống đường khe co giãn để giảm tải cho kết cấu bê tông.

Bảo dưỡng bê tông đầm lăn RCC

Việc bảo dưỡng bê tông đầm lăn sau khi thi công rất quan trọng. Công tác này giúp theo dõi và đảm bảo chất lượng của kết cấu bê tông RCC được tốt nhất. Bạn cần chú ý tới các công tác sau:

+ Theo dõi và đảm bảo chất lượng bê tông RCC từ khi thi công cho tới khi hoàn thiện. Không cho phép khối đổ bê tông lẫn tạp chất, rác thải không đúng trong thiết kế. Bề mặt sau khi thi công xong cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh hóa chất v.v..

+ Phun nước tưới ẩm bề mặt khối đổ theo yêu cầu của kỹ sư chuyên môn. Trường hợp thời tiết nắng nóng cần bao che phía trên bằng bao bố (bao tải) ẩm ướt để tránh mất nước.

+ Theo dõi định kỳ bề mặt bê tông để phát hiện các hiện tượng như bê tông bị nứt, bị bong tróc v.v… Từ đó có ghi chép và đánh giá cẩn thận để có phương án xử lý cho phù hợp.

+ Theo dõi hệ thống thoát nước bề mặt thường xuyên. Tránh nước bị ứ đọng lâu gây ảnh hưởng tới bề mặt bê tông RCC khi đưa vào sử dụng.

Công tác chuẩn bị thí nghiệm bê tông đầm lăn RCC tại công trình thủy điện Lai Châu

Các câu hỏi liên quan

Bê tông đầm lăn khác bê tông thường trỗ nào?

Bê tông đầm lănBê tông thường
Không có cốt thépCó bố trí cốt thép bên trong
Ứng dụng xây dựng công trình quy mô lớn như: đập thủy điện, cảng biển, sân bay, mặt đườngỨng dụng chủ yếu trong xây dựng nhà ở, nhà công nghiệp kết cấu móng, tường, cột và sàn bê tông
Độ dày lớn và rất lớn được thi công làm từng lớp liên tụcĐộ dày nhỏ và vừa theo thiết kế cho từng cấu kiện
Vận chuyển bằng xe tải hoặc băng tảiVận chuyển bằng xe trộn (xe bồn) bê tông
Thi công bằng máy móc san gạt và đầm rungThi công bằng xe bơm bê tông và đầm rung cầm tay
Thích hợp thi công theo phương ngangThi công theo cả phương ngang và phương thẳng đứng

Đập bê tông đầm lăn là gì?

Đập bê tông đầm lăn là phương án thi công đập thủy điện, đập hồ thủy lợi bằng biện pháp bê tông RCC. Các thiết bị thi công thực hiện công việc liên tục để san tạo phẳng và đầm nén bê tông từng lớp một. Cao độ của con đập cũng từ đó dần hình thành lên từ đáy đập lên đến đỉnh đập. Đập bê tông RCC được ứng dụng làm đập ngăn nước và điều tiết lượng nước trong lòng hồ. Đồng thời quá trình xả nước từ đập khiến tua bin quay và tạo ra điện năng.

Tiêu chuẩn thiết kế đập bê tông đầm lăn?

Dưới đây là tiêu chuẩn phổ biến TCVN áp dụng đối với bê tông RCC để bạn tham khảo:

+ TCVN 10403:2015: Công trình thủy lợi – Đập bê tông đầm lăn – Thi công và nghiệm thu

+ TCVN 13463:2022: Công trình thủy lợi yêu cầu thiết kế đập trọng lực bê tông đầm lăn

+ TCVN 8825:2011: Phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn

+ ASTM C1170-91: Phương pháp xác định độ cứng và khối lượng thể tích của hỗn hợp bê tông đầm lăn bằng bàn rung

+ ASTM C 1435 -99: Phương pháp thực hành đúc mẫu bê tông đầm lăn trong khuôn trụ bằng búa rung

+ ASTM C1040 / C1040M – 08 (2013): Phương pháp thử tiêu chuẩn hiện trường mật độ (độ chặt) của bê tông chưa đông cứng và đã đông cứng, bao gồm bê tông đầm lăn, bằng phương pháp hạt nhân.

Lời kết

Qua bài viết GachBeTongNhe đã chia sẻ những điều cần biết về bê tông đầm lăn RCC. Giải pháp bê tông RCC đòi hỏi sự am hiểu về kỹ thuật, có chuyên môn cao từ sản xuất đến thi công. Song song là phương pháp bảo dưỡng bê tông đúng cách để kiểm soát và đảm bảo chất lượng cao nhất.

Chúc các bạn có được những thông tin cần thiết trong xây dựng với vật liệu bê tông. Trân trọng cám ơn các bạn đã theo dõi nội dung!